TRƯỜNG PTDTNT THCS & THPT VĂN BÀN QUAN TÂM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một công tác trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng mũi nhọn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, cho địa phương và cho nhà trường. Bồi dưỡng học sinh giỏi trong các nhà trường với mục tiêu động viên, khuyến khích giáo viên và học sinh phát huy năng lực sáng tạo dạy giỏi, học giỏi, phát hiện học sinh có năng khiếu về môn học, bồi dưỡng học sinh giỏi không chỉ thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học mà còn góp phần không nhỏ cho việc tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài.
Theo thầy giáo Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT Văn Bàn, để nâng cao được chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, khâu quan trọng nhất là phải có nguồn tốt mới có thể lựa chọn được những học sinh hội tụ đủ các yếu tố năng lực, tư duy sáng tạo và đam mê môn học vào các đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi.
Được biết, ngay từ đầu mỗi năm học ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể đối với công tác bồi dưỡng HSG; thực hiện phân công chuyên môn hợp lý, bảo đảm chọn lựa những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm và việc phân công này được thực hiện theo hướng ổn định. Với đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiều đồng chí có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng HSG nhiều năm qua, các bộ môn đã tích cực tham gia công tác bồi dưỡng từ ngay sau khi kết thúc năm học 2023 – 2024. Năm học 2024– 2025 Trường PTDTNT THCS & THPT Văn Bàn tham gia dự thi 9 môn văn hoá cấp THPT: Văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Tin học với tổng số 62 học sinh.
Để có được kết quả cao trong các kì thi chọn học sinh giỏi, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố. Kiến thức môn học, tâm lí, phương pháp giáo dục vốn có của người thầy chưa đủ. Người thầy còn phải dành rất nhiều tâm sức, kinh nghiệm, sự hiểu biết, cố gắng của mình vào việc tuyển chọn, bồi dưỡng cho các học sinh. Điều quan trọng nhất trong quá trình dạy học là làm cho học sinh yêu thích môn học, “thổi lửa” khơi dậy, nuôi dưỡng lòng đam mê học tập, khát khao khám phá của học sinh. Giáo viên có thể giảng dạy theo các mảng kiến thức, kĩ năng; rèn cho HS kĩ năng làm bài ở từng dạng, từng chủ đề. Sau khi trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản của bộ môn, giáo viên còn phải chú ý đến việc dạy học sinh phương pháp tự học, cụ thể là: Giao chuyên đề, hướng dẫn học sinh tự đọc tài liệu, tổ chức cho học sinh báo cáo theo chuyên đề, thảo luận, phản biện, kiểm tra việc tự học, tự đọc tài liệu của học sinh; rút kinh nghiệm kịp thời, sử dụng các thiết bị giảng dạy phù hợp; tăng cường thời gian thực hành, đa dạng các hình thức đánh giá.
Trong những năm gần đây, môn Địa là một trong những môn học có thành tích tốt nhất và là niềm tự hào của nhà trường. Cô Lê Thị Mùi tuy là một giáo viên trẻ, nhưng cô luôn dành hết sự nhiệt huyết của mình trong việc tham gia bồi dưỡng, ngoài giờ học trên lớp, cô luôn tích cực giảng dạy những kiến thức khó cho học sinh, tạo cho các em cảm hứng học tập và yêu thích môn Địa hơn. Giàng Thị Tuyến - một học sinh trong đội tuyển thi Địa chia sẻ : Ban đầu em vẫn chưa thực sự yêu thích môn Địa lý vì đây là môn học khó trong tổ hợp khoa học xã hội và càng đào sâu càng khó. Tuy nhiên càng học, chúng em càng say mê bởi kiến thức của môn học này sát với thực tiễn cuộc sống. Môn Địa lý có cả lý thuyết và thực hành, thiên về tư duy, nếu vận dụng tốt sẽ giải thích được các hiện tượng thiên nhiên xung quanh ta như thời tiết, thiên văn, điểm du lịch…
Đội tuyển môn Địa Lý
Tuy vậy, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng gặp không ít khó khăn. Về phía giáo viên, đa số giáo viên dạy bồi dưỡng vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn, một số đồng chí còn cả công tác kiêm nhiệm; do đó việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG cũng có phần bị hạn chế, công tác tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng dạy học sinh giỏi đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết. Cùng với đó trách nhiệm lại nặng nề, áp lực công việc lớn cũng là những khó khăn không nhỏ với các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Về phía học sinh, luôn đứng trước sự lựa chọn giữa học chuyên sâu để thi học sinh giỏi và học để thi vào các trường đại học, các em không yên tâm vì phải mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến kết quả học tập ôn thi vào đại học sau khi thi học sinh giỏi.
Ở thời điểm hiện tại, các thầy cô giáo và các em học sinh đang tích cực ôn luyện cho giai đoạn nước rút, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 17/01/2025, chúc cho mọi sự cố gắng của thầy và trò các đội tuyển học sinh giỏi trường Trường PTDTNT THCS & THPT Văn Bàn, đạt được kết quả cao, mang lại thành tích cho bản thân, cho nhà trường và gia đình.
Người viết tin bài
Phạm Quỳnh Trang-GV trường PTDTNT THCS&THPT Văn Bàn